Thi công tái chế mặt đường

Bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ là các thao tác kỹ thuật được tiến hành thường xuyên và các hoạt động quản lý cần thiết nhằm phòng ngừa và khắc phục kịp thời những hư hỏng nhỏ của công trình đường bộ. Bảo dưỡng thường xuyên để hạn chế tối đa sự phát triển từ hư hỏng nhỏ thành các hư hỏng lớn. Các công việc này được tiến hành thường xuyên liên tục, hàng ngày, trong suốt cả năm trên toàn bộ công trình, để đảm bảo giao thông vận tải đường bộ được an toàn, thông suốt và êm thuận.

Trong một vài thập niên gần đây cùng với mục tiêu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong các ngành Xây dựng công trình, đặc biệt trong ngành Xây dựng cầu đường tăng nhanh về số lượng cũng như về chất lượng vật liệu. Trong khi đó, nguồn cung cấp các loại vật liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt cùng những khó khăn trong khai thác, cự ly vận chuyển xa và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh … Do đó, với xu hướng hiện đại hóa, toàn cầu hóa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, những công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới vào các lĩnh vực ngành nghề của nước ta là nhu cầu mang tính thực tiễn cộng với mục tiêu sử dụng hiệu quả, tiết kiệm vật liệu trong ngành xây dựng công trình giao thông tại Việt Nam là cấp thiết.

Trên thực tế chi phí quản lý duy tu, bảo trì và nâng cấp mặt đường theo truyền thống ở Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên hiệu quả khai thác là chưa cao (sau một thời gian khai thác mặt đường nhựa sẽ bị xuống cấp và phát sinh hiện tượng bong bật, nứt hoặc ổ gà, phân lớp và mặt đường ngày một dày thêm).

Do đó, giải pháp cào bóc tái chế nói chung rất thích hợp cho các dự án cải tạo, sửa chữa và nâng cấp mặt đường cấp cao. Riêng đối với các Quốc lộ hoặc đường đô thị, để đảm bảo tiêu chí không làm tôn cao mặt đường, giải pháp cào bóc tái chế có thể bóc bỏ một phần chiều dày lớp mặt đường đã hư hỏng, sau đó tái chế lớp dưới và phủ thay thế lớp BTN mới lên trên để tiếp tục khai thác mà không ảnh hưởng đến cường độ mặt đường hiện hữu.