Là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực bảo trì đường cao tốc, Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) luôn xác định phải bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả và thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ với tiêu chí “vì sự hài lòng nhất của người dân, DN”.
Khai thác hiệu quả giúp kinh tế địa phương cất cánh
Để tổ chức quản lý khai thác có hiệu quả các tuyến đường do TCT Đầu tư phát triểnđường cao tốc VN (VEC) quản lý, VEC O&M đã tập trung tuần tra, kiểm soát, bảo vệ tài sản, đảm bảo ATGT, tổ chức phân luồng, điều tiết, ngăn chặn phương tiện giao thông không được phép lưu thông trên đường cao tốc theo đúng quy định. Nhờ khai thác hiệu quả, các tuyến cao tốc như: Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bìnhđã trở thành những động lực quan trọng giúp kinh tế tại các địa phương có đường cao tốc đi qua “cất cánh”.
Theo ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, năm 2010, khi tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình chưa đi vào khai thác, tỉnh Hà Nam chỉ có 2 khu công nghiệp thì đến nay tỉnh này đã có 7 khu công nghiệp. Trong năm 2015, Hà Nam đã thu hút 70 dự án đầu tư mới. Cũng từ khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình mở ra, các tuyến giao thông, nút giao từ Đại Xuyên đến Cao Bồ đã giảm thiểu tình trạng ùn tắc. Thời gian lưu thông trên tuyến rút ngắn một nửa, giảm được 12 – 15% chi phí so với lưu thông theo tuyến QL1 cũ và giảm áp lực giao thông trên tuyến QL1.
Đối với tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, từ khi đưa vào khai thác cũng tạo bước đột phá lớn của toàn ngành GTVT, là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế cho các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đối với tỉnh Lào Cai, sau khi tuyến cao tốc này đi vào hoạt động, ngành du lịch của tỉnh có bước tăng trưởng mạnh. Năm 2015, du lịch Sa Pa tăng trưởng hơn 40%, lượng khách du lịch tăng 1,5 lần, tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 30%. Việc thu hút đầu tư nước ngoài của các tỉnh dọc tuyến cao tốc này như: Yên Bái, Vĩnh Phúc cũng tăng đáng kể. Như với tỉnh Yên Bái, từ khi có cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thời gian từ Yên Bái đến Sân bay Nội Bài (Hà Nội) chỉ mất 2 giờ, giảm 2/3 thời gian so với trước.
Xây dựng chất lượng phục vụ kiểu mẫu
Về công tác khai thác, vận hành đường cao tốc do VEC O&M quản lý, ông Uông Huy Hoàng quyền Giám đốc VEC O&M cho biết, khi mới đưa vào khai thác, công tác quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như tình trạng xe quá tải tìm mọi cách đi vào cao tốc Nội Bài – Lào Cai, người dân địa phương dọc hai bên đường phá rào, đi xe máy vào đường cao tốc ném đá vào các phương tiện lưu thông trên tuyến. Đặc biệt là tình trạng các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc gây mất ATGT…
“Để giải quyết những tồn tại trên, VEC O&M đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc và các phương tiện tham gia giao thông trên đường; Phối hợp với Công an các tỉnh điều tra xử lý tình trạng trộm cắp tài sản, ném đá vào các phương tiện tham gia giao thông và phối hợp với lực lượng CSGT xử phạt nghiêm các xe dừng đỗ, đón trả khách và từ chối phục vụ nếu tái phạm. Đối với các trường hợp xe quá tải, khi phát hiện vi phạm sẽ từ chối phục vụ…”, ông Hoàng cho biết.
Trước tình trạng thất thu trong công tác thu phí do các chủ phương tiện, lái xe tìm mọi cách trốn phí, ngoài các biện pháp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đóng các điểm mở, VEC O&M đã quyết liệt từ chối phục vụ các phương tiện cố tình làm mất thẻ, đồng thời chuyển từ việc sử dụng vé giấy sang thẻ điện tử. Nhờ đó đến nay các trường hợp lách, trốn phí trên đường cao tốc đã cơ bản được ngăn chặn.
Ngọc Anh ( Báo giao thông )